Việc lựa chọn vị trí đặt nghĩa trang dòng họ ảnh hưởng đến phúc phận của cả dòng họ nên rất quan trọng
Chọn theo thế đất
Ngày xưa khi hình thế đất đai còn nguyên sơ, việc chọn vị trí âm trạch theo hình thế của Loan đầu tương đối rõ ràng và thuận tiện. Ngày nay đất chật người đông, tấc đất tấc vàng, việc chọn cho dòng họ, gia đình mình một vị trí đắc địa còn khó hơn với sao trên trời. Tuy nhiên có những điều dù hoàn cảnh như thế nào đi chăng nữa cũng không thể bỏ qua. “Táng Thư” viết: “Phong thủy chi pháp, đắc thủy vi thượng, tàng phong thứ chi”. Ý nói: Trong việc chọn âm trạch, cái quan trọng nhất là có thủy tụ (chỗ đất có dòng nước chảy quanh) rồi mới đến tàng phong (thu giữ gió). “Hám long kinh” có viết : “Tầm đắc chân long bất thức huyệt, bất thức huyệt thời tổng không thuyết. Thức long huyệt thủy vi chân, hạ trứ chân long quan bất tuyệt. Chân long ẩn chuyết huyệt nan tầm, duy hữu triều sơn thực hạnh tâm ...”. Nghĩa là sau khi tìm được long mạch chân khí còn phải nhận biết được đúng địa huyệt. Triều sơn ở phía trước, thủy khẩu phải chầu bái vào xung quanh chân long mới giữ được sinh khí. Tìm được chân long, xác định được đúng long huyệt mới giữ được long linh thiêng, trên thì thừa hưởng Thiên quang, dưới thì giữ được địa khí mới làm cho phúc ấm của con cháu thịnh vượng mãi mãi.
Nhìn chung, quan trọng nhất trong việc chọn địa huyệt vẫn là thủy tụ. Phía ngoài xa nên có sông hồ chảy quanh, phía gần cũng nên có những ao, chuôm nhỏ để giữ sinh khí bên trong. Tại vùng đồng bằng, dẫu không có núi non che chắn nhưng trước Minh đường chỉ cần có một dòng sông chảy qua, uốn lượn thì không phải lo gì thủy không tụ. Kinh viết: “Ngoại khí hoành hình, nội khí chí sinh, cái ngôn thử dã”. Nghĩa là ngoại khí hình ngang thì nội khí dừng lại. Dòng nước chảy bên ngoài khu đất nên gọi là ngoại khí. Sinh khí ẩn tàng bên trong nên gọi là nội khí. Do vậy, ngoại khí bên ngoài phải có hình dạng nằm ngang để nội khí mới theo đó mà dừng lại kết huyệt.
Kinh viết: “Thổ hình khí hình”. Nghĩa là hình của đất chính là hình của khí, vạn vật nhờ đó mà hóa sinh. Sinh khí vô hình vô tướng nhưng chúng ta có thể dựa vào hình thế của đất vận hành, thay đổi mà suy đoán. Sinh khí vận hành trong đất, cần dựa vào hình thế của đất để vận hành và dựa vào hình thế của đất để hội tụ kết huyệt báu. Các phong thủy sư thường phải quan sát hình thế đất thật kỹ, nhận biết được sinh khí bắt đầu sinh ra từ nơi nào, tích tụ tại nơi nào, từ đó mới tính toán đến việc gửi gắm xương cốt. Thông thường nơi sinh khí tích tụ đa phần có cảnh sắc tươi đẹp, sông núi hữu tình, nếu không có con mắt tinh tường sẽ không thể nhìn thấy được. Khi quan sát một khu vực, nếu thấy trên một địa bàn bằng phẳng, rộng rãi, cây cỏ rậm rạp có những gò đống nổi lên tròn như bong bóng nổi trên mặt nước, giống như những hạt minh châu, những gò hình vuông giống như những hòm chứa châu báu, những hình giống lá cờ, những hình cái trống nằm trên mặt ruộng hoặc giống các hình con rùa, con ếch, con cá... thì có thể coi là nơi cát tường, có sinh khí thông suốt, khí dư của sinh khí khiến cho hình đất nhô lên cao như vậy. Những nơi như vậy có thể xem xét, tính toán để đặt mộ phần.
Một việc rất quan trọng nữa là phải cân được phúc đức của dòng họ. Phúc phận của dòng họ như thế nào phải đặt vào khu Địa huyệt có năng lượng tương đồng mới có kết quả. Không phải cứ thấy con Long to mà ham đặt huyệt mộ dòng họ vào đó, bởi nhiều khi không hợp hoặc không tụ đủ phúc mà lợi bất cập hại. Không vì khu đất kết Huyệt quá to, quá mạnh, quá nhiều đời mà đặt vào khi phúc phận của dòng họ chưa đủ.
Những nơi không thể an táng
Trong thời đại ngày nay, những công việc tầm long, tróc mạch, phân kim, điểm hướng như trên quả thật là khó thực hiện cho đầy đủ được. Tuy nhiên theo phong thủy, không cần đến một con Long to, nhiều khi chỉ một thế đất nhỏ có rất nhiều ở các vùng quê cũng đủ cho cả một gia tộc ấm no hạnh phúc vài đời nếu thực hiện chuẩn xác những yêu cầu tối thiểu của thuật địa lý. Theo “Quách Phác táng kinh”, có 5 nơi không thể an táng phần mộ vào đó nhưng từ thực tế nghiên cứu và thực hiện của tôi thì có 3 trường hợp là không thể đặt huyệt mộ vào. Một là núi trọc: Trên núi trọc, đất đai khô nứt nẻ, mạch khí tàng ẩn trong đất đã cạn kiệt do vậy không thể an táng được. Cũng cần phải phân biệt với trường hợp tuy núi cây mọc lưa thưa nhưng đào xuống thấy thớ đất ẩm và mịn màng , bề mặt sáng bóng như vỏ trứng , đất có năm màu sắc thì đây lại là đất tốt có thể an táng. Vì đường sinh khí lặn sâu dưới đất nên khi táng trong khu vực này cần đào sâu hơn thông thường một chút.
Hai là nơi núi đứt gãy: Đất là cội nguồn của sinh khí, có đất rồi mới có khí. Nếu tại khu vực sơn mạch bị đứt gãy do tác động của thiên nhiên hay con người, đường sinh khí bị đứt gãy, không thể an táng được. Mặt khác nơi bị đứt gãy thường tạo ra những vùng có những tia ác xạ không tốt cho mồ mả cũng như cuộc sống của con người. Ba là núi không dừng: Sinh khí sẽ dừng lại theo sự biến đổi của thế đất. Nơi thế núi đi thẳng không dừng lại không thể chọn làm nơi an táng. Bởi thông thường khi ta quan sát những dãy núi chạy dài, phần nào thấy đỉnh núi còn nhọn, địa thế hiểm trở tức là nơi Long mạch còn đang đi, chưa thể ngưng nghỉ để kết huyệt được. Khi ta thấy các đỉnh núi tròn đầu dần rồi tạo nên những vùng trung du có nhiều núi đất hình bát úp là nơi Long mạch chuẩn bị dừng nghỉ. Từ khu vực này, nếu Long mạch chìm sâu và vượt một hai con sông thì sẽ xuất hiện một vùng đồng bằng có nhiều gò đống nổi lên, chính khu vực đó là nơi Long mạch dừng nghỉ và kết huyệt. Nếu các bạn đi theo đường từ Lạng Sơn về đến Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội sẽ thấy rất rõ hiện tượng này.
Ngoài ra theo như “Quách Phác táng kinh” nói thì còn hai nơi không thể kết huyệt được là: Núi đá và nơi núi đơn độc. Theo tôi thì điều này chưa hoàn toàn đúng. Bằng chứng như cao nguyên đá Đồng Văn vẫn phát sinh ra Vua Mèo. Còn những trái núi đơn độc giữa đồng bằng như núi Bà Đen ở Tây ninh vẫn có nhiều huyệt quý. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường ta thấy trai núi đó đơn độc, nhưng một phong thủy sư có kinh nghiệm có thể nhận biết được tổ Long có thể ở cách đó rất xa, con Long lặn sâu trong đất và đến đó mới trồi lên và có vô số huyệt kết xung quanh.
|